Hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất nhật khẩu

Hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu là vấn đề quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp […]
admin2
06/07/2021

Hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu là vấn đề quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ xuất khẩu đều quan tâm. Tuy nhiên, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu qua từng thời kỳ lại có sự khác nhau và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể được hoàn thuế. Bài viết dưới đây của AZLAW sẽ tổng hợp các quy định mới nhất về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hoàn thuế GTGT là gì?

Hoàn thuế GTGT được hiểu là doanh nghiệp được nhà nước hoàn lại phần thuế GTGT sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành xong nghĩa vụ thuế và vẫn còn dư phần thuế đầu vào thỏa mãn điều kiện được hoàn.

Hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu

Hoàn thuế đối với cơ sở kinh doanh kê khai theo tháng, quý mà trong tháng, quý có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu chưa khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên: áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.

Lưu ý: Doanh nghiệp cần hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu hoặc căn cứ vào tỷ trọng doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu để xác định số thuế GTGT đầu vào phân bổ cho hàng xuất khẩu.

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.

Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp:

  • Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;
  • Hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối tượng được hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu

  • Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu: cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu;
  • Đối với gia công chuyển tiếp: cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với phía nước ngoài;
  • Đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài: doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài;
  • Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ: cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.

Xác định số thuế được hoàn cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

Hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp khi xuất khẩu chịu thuế suất 0%, doanh nghiệp nếu đã nộp thuế được hoàn tương ứng với 2 trường hợp sau:

Doanh nghiệp chỉ phát sinh hoạt động xuất khẩu

Doanh nghiệp được hoàn số thuế GTGT đã nộp ở khâu xuất khẩu theo tháng, quý (tùy thuộc việc doanh nghiệp kê khai tính thuế theo tháng hoặc theo quý), khi có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu chưa khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên. Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu dưới 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo. Số thuế GTGT được hoàn tối đa bằng 10% doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Doanh nghiệp phát sinh cả hoạt động bán hàng nội địa và xuất khẩu

Doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên. Số thuế GTGT đầu vào hàng xuất khẩu còn lại sau khi bù trừ với thuế GTGT hàng nội địa phải nộp, tối đa được hoàn bằng 10% doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trong kỳ hoàn thuế.

Theo đó, số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hoàn được xác định như sau:

Số thuế GTGT đầu vào phân bổ cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu = (Doanh thu xuất khẩu/ Tổng doanh thu) x Tổng thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ

Thuế GTGT hàng nội địa phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – (Doanh thu bán trong nước/ Tổng doanh thu) x Tổng thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ (nếu số này <0: doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT cho hàng hóa dịch vụ bán nội địa)

Thuế GTGT hàng hóa dịch vụ xuất khẩu được hoàn = Số thuế GTGT đầu vào phân bổ cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu – Thuế GTGT hàng nội địa phải nộp

Lưu ý: Số thuế GTGT tối đa được hoàn cho hàng hóa dịch vụ xuất khẩu = 10% x Doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Chú ý: Đối với cơ sở kinh doanh thương mại mua hàng hóa để thực hiện xuất khẩu: số thuế GTGT đầu vào được hoàn cho hàng hóa xuất khẩu được xác định như sau:

Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu = 〈Số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của tháng/quý Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa còn tồn kho cuối tháng/quý〉 x Tổng doanh thu xuất khẩu trong kỳ x 100%
Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ trong kỳ bán ra chịu thuế (bao gồm cả doanh thu xuất khẩu)

Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã tính phân bổ như trên chưa được khấu trừ nhỏ hơn 300 triệu đồng: doanh nghiệp không được xét hoàn thuế theo tháng/quý mà kết chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo;

Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT theo tháng/quý.

Điều kiện hoàn thuế GTGT hàng xuất – nhập khẩu

Doanh nghiệp trong kỳ phát sinh hoạt động xuất khẩu được hoàn thuế khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hợp pháp
  • Đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
  • Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật
  • Có tài khoản tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp
  • Trong kỳ doanh nghiệp phát sinh hoạt động xuất khẩu, thỏa mãn số thuế GTGT chưa khấu trừ của hhdv xuất khẩu (hoặc chưa được khấu trừ hết) từ 300 triệu đồng trở lên
  • Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu, cụ thể như sau

Hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu

Hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu bao gồm các giấy tờ sau:

  • Hợp đồng bán, gia công hàng hóa cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu là hợp đồng ủy thác xuất khẩu và biên bản thanh lý hợp đồng (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên ủy thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác xuất khẩu
  • Tờ khai hải quan đối với hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan;
  • Hàng hóa dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng;
  • Hóa đơn thương mại, theo đó ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

Lưu ý: thanh toán qua ngân hàng được hiểu là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang bên xuất khẩu theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định trên hợp đồng và tại ngân hàng

  • Trường hợp thanh toán chậm trả: phải có quy định trên hợp đồng;
  • Trường hợp ủy thác xuất khẩu: phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên nhập khẩu cho bên nhận ủy thác, tương tự của bên nhận ủy thác cho bên ủy thác.
  • Các trường hợp được coi là thanh toán qua ngân hàng: bao gồm các trường hợp như sau:
    • Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được thanh toán cấn trừ vào khoản tiền vay nợ nước ngoài;
    • Cơ sở kinh doanh xuất khẩu sử dụng tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để góp vốn với cơ sở nhập khẩu ở nước ngoài;
    • Bên nước ngoài ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán (với điều kiện việc thanh toán theo ủy quyền phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu);
    • Phía nước ngoài yêu cầu bên thứ 3 là tổ chức ở Việt Nam thanh toán bù trừ công nợ với phía nước ngoài bằng thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền phía nước ngoài phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu, việc yêu cầu thanh toán bù trừ công nợ nêu trên có quy định trong hợp đồng xuất khẩu;
    • Phía nước ngoài (bên nhập khẩu) ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán; bên thứ ba yêu cầu tổ chức ở Việt Nam (bên thứ tư) thanh toán bù trừ công nợ với bên thứ ba bằng việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền bên nhập khẩu phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu;
    • Phía nước ngoài ủy quyền cho Văn phòng đại diện tại Việt Nam thực hiện thanh toán vào tài khoản của bên xuất khẩu và việc ủy quyền thanh toán nêu trên có quy định trong hợp đồng xuất khẩu;
    • Phía nước ngoài (trừ trường hợp phía nước ngoài là cá nhân) thanh toán từ tài khoản tiền gửi vãng lai của phía nước ngoài mở tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam thì việc thanh toán này phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu;
    • Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài nhưng vì lý do khách quan phía nước ngoài từ chối không nhận hàng và cơ sở kinh doanh tìm được khách hàng mới cùng quốc gia với khách hàng ký kết hợp đồng mua bán ban đầu để bán lô hàng trên;
    • Các trường hợp thanh toán khác theo quy định của Chính phủ.

Một số trường hợp không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng nhưng vẫn được hoàn thuế bao gồm:

  • Đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán: cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng;
  • Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đảm bảo chất lượng phải tiêu hủy, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng biên bản tiêu hủy kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với chi phí tiêu hủy hoặc kèm giấy tờ chứng minh chi phí tiêu hủy thuộc trách nhiệm của người mua hoặc bên thứ ba;
  • Hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất: cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng;

Các trường hợp làm hồ sơ hoàn thuế không cần tờ khai hải quan

TH1: Cơ sở kinh doanh xuất khẩu phần mềm qua phương tiện điện tử: thay vì phải khai tờ khai hải quan, cơ sở kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để xác nhận bên mua đã nhận được hàng theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử;

TH2: Hoạt động xây lắp công trình ở nước ngoài hoặc trong khu phi thuế quan;

TH3: Cơ sở kinh doanh cung cấp điện nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất gồm lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm cả đồ bảo hộ lao động: áo, mũ, giày, ủng, găng tay)

Hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa dịch vụ được coi như xuất khẩu

Các trường hợp hàng hóa dịch vụ được coi như xuất khẩu bao gồm:

  • Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài;
  • Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật;
  • Hàng hóa, vật tư do doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài;
  • Hàng hóa, vật tư do cơ sở kinh doanh trong nước bán cho doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài và thực hiện giao hàng hóa tại nước ngoài theo Hợp đồng ký kết;

Trên đây là những chia sẻ của AZLAW về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nếu cần hỗ trợ hãy liên hệ ngay với chúng tôi:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Địa chỉ: K28, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Mobile: 0987.748.111 – 024.22151888

Email: info@azlaw.com.vn

Website: https://azlaw.com.vn

0987.748.111