QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VÀ NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ BẢN QUYỀN PHẦN MỀM TẠI VIỆT NAM

Với cuộc cách mạng 5.0 đang mở ra trong xu thế tập trung vào sự “hợp tác” giữa con người […]
hongngoc
21/06/2023

Với cuộc cách mạng 5.0 đang mở ra trong xu thế tập trung vào sự “hợp tác” giữa con người và máy móc, trí thông minh của con người hoạt động hài hòa với “điện toán nhận thức” thì ngành công nghệ phần mềm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Nhằm giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cái nhìn toàn điện về việc đăng ký bản quyền phần mềm máy tính, AZLAW sẽ tổng hợp các nội dung pháp lý liên quan đến thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam để quý khách hàng tham khảo.

Bản quyền phần mềm (Software Copyright) là gì?

Đây là bản quyền cho phép người dùng sử dụng bất kỳ một phần mềm nào đó hợp pháp. Tuy nhiên, nếu như việc bạn sử dụng phần mềm mà không có bất kỳ bản quyền hợp pháp nào thì điều đó được mặc định là phần mềm trái phép. Khi đó người vi phạm bản quyền phần mềm sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Ai là người có quyền đăng ký bản quyền phần mềm máy tính?

Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Tác giả, chủ sở hữu của phần mềm có quyền đăng ký bản quyền phần mềm. Theo đó, tác giả chủ sở hữu phầm mềm có thể đăng ký bản quyền phần mềm tại Việt Nam: cá nhân, tổ chức là người Việt Nam; cá nhân, tổ chức là người nước ngoài. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức là tác giả là người nước ngoài đăng ký bản quyền tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục thông qua Tổ chức Đại diện bản quyền tác giả tại Việt Nam.

Vai trò của việc bảo hộ bản quyền phần mềm

  • Mặc dù việc đăng ký bản quyền phần mềm (chương trình máy tính) không phải là bắt buộc. Nhưng nó là cơ sở để xác định thời điểm phát sinh quyền tác giả; quyền của chủ sở hữu đối với phần mềm máy tính. Đăng ký bản quyền phần mềm máy tính là một giải pháp hữu hiệu; nhằm bảo vệ tối đa quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu phần mềm.
  • Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
  • Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền phần mềm máy tính là cơ sở chứng minh chủ thể nào tạo ra phần mềm trước khi có tranh chấp xảy ra.
  • Ngoài ra, hiện nay các công ty phần mềm đôi khi có những xung đột giữa tác giả phần mềm và chủ sở hữu phần mềm tức giữa nhân viên với công ty thì việc đăng ký bản quyền phần mềm máy tính còn là cơ sở xác định quyền giữa tác giả của người tạo ra phần mềm và chủ sở hữu phần mềm là công ty.
  • Vì thế, thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền cho phần mềm máy tính chính là để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu và giảm thiểu rủi ro phát sinh trong tương lai.

Làm thế nào để bảo hộ phần mềm?

Thông thường khi nói đến phần mềm, chúng ta thường chỉ nghĩ đến mã nguồn (mã code) tại ra phần mềm. Thực tế, để đưa phần mềm đến với người sử dụng, nhất là trong môi trường công nghệ số phát triển như hiện nay, việc đặt tên gọi và hình ảnh logo cho phần ềm ứng dụng cũng đòi hỏi sự sáng tạo và cần được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Do đó, để phạm vi bảo hộ tài sản trí tuệ của phần mềm được rộng và đầy đủ, doanh nghiệp cần lưu tâm đến một số biện pháp sau:

Đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm

Đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm cho mã nguồn (mã code) của phần mềm theo loại hình chương trình máy tính

Việc đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm được thực hiện tại Cục Bản quyền tác giải thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khi đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp không bắt buộc phải bộc lộ mã nguồn phần mềm cho công chúng. Doanh nghiệp có thể chỉ cần cung cấp một phần mã nguồn phần mềm cho Cục Bản quyền tác giả và các thông tin này sẽ được bảo mật theo quy định.

Thành phần hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm bao gồm

  • Giấy ủy quyền cho đơn vị thực hiện thủ tục;
  • Bản cam đoan của tác giả về tính trung thực trong quá trình sáng tạo tác phẩm;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu nếu quyền tác giả và các quyền liên quan thuộc sở hữu chung;
  • Bản sao công chứng Giấy tờ chứng thực cá nhân của các giả;
  • Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu chủ sở hữu là tổ chức);
  • 02 đĩa CD ghi nội dung phần mềm: Phần mềm máy tính (bản cài đặt); Bản viết trên giấy mô tả phần mềm; Bộ code phần mềm máy tính;
  • Bản in mã Code tác phẩm được đóng quyển;
  • Bản mô tả hoạt động của phần mềm;
  • Hợp đồng mua bản quyền và văn bản chấp thuận cho việc đăng ký tác phẩm phần mềm phái sinh.

Ngoài các tài liệu trên, tác giả, chủ sở hữu phần mềm cần cung cấp thêm các thông tin sau:

  • Thời gian hoàn thành phần mềm (thông tin này rất cần thiết đề phòng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong tương lai nếu có);
  • Thông tin công bố phần mềm: Phần mềm đã được công bố ở đâu chưa? Nếu đã công bố, nêu rõ thời gian công bố, hình thức công bố,…

Thời hạn thẩm định thông thường cho việc cấp GCN đăng ký bản quyền cho phần mềm là 15 – 30 ngày làm việc, tính từ ngày nộp hồ sơ.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với phần mềm

Quyền nhân thân của tác giả bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm; Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; không cho người khác sửa chữa, cắt xén; hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào; gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả được bảo hộ vô thời hạn.

Quyền Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản có thời hạn bảo hộ như sau: Giấy chứng nhận quyền tác giả đối với phần mềm có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp phần mềm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho tên gọi và hình ảnh lô gô của phần mềm

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tổ chức, cá nhân sở hữu nhãn hiệu nên thực hiện tra cứu khả năng bảo hộ của nhãn hiệu trước khi đăng ký để tránh mất thời gian chờ đợi kết quả bảo hộ nhãn hiệu. Bởi thời gian thẩm định cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thường kéo dài từ 2 – 3 năm.

Thành phần hồ sơ bao gồm

  • 02 tờ khai đăng ký nhãn hiệu;
  • Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa dịch vụ mang nhãn hiệu;
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Thủ tục

Sau khi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, Cục SHTT sẽ tiếp nhận và thực hiện theo trình tự sau:

  • Bước 1: Thẩm định hình thức đơn: Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn
  • Bước 2: Công bố đơn hợp lệ: Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ
  • Bước 3: Thẩm định nội dung: Trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày công bố đơn. Tuy nhiên, thực tế thời gian này thường kéo dài hơn rất nhiều vì nhiều lý do khác nhau.

Các biện pháp bảo mật và pháp lý khác

Ngoài việc đăng ký bảo hộ phần mềm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp cần lưu giữ lại các tài liệu, bằng chứng; ghi lại quá trình đầu tư tài sản, trí tuệ tạo ra phần mềm; để sẵn sàng chứng minh khi đối thủ đưa ra các thông tin sai lệch về việc sở hữu bản quyền phần mềm hay sở hữu nhãn hiệu gắn với phần mềm.

Trên đây là nội dung tư vấn của AZLAW liên quan đến đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Địa chỉ: K28 Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Mobile: 0987553289; 024.22151888

Email: info@azlaw.com.vn

0987.748.111