Vốn pháp định là gì? Quy định về vốn pháp định?

Vốn là một điều kiện không thể thiếu trong thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là đối với vốn pháp định – mức vốn yêu cầu bắt buộc đối với một số ngành nghề kinh doanh nhất định khi thành lập doanh nghiệp.
admin
09/05/2021

Bên cạnh vốn điều lệ thì vốn pháp định cũng giữ vai trò quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động của các công ty, doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng giải thích được khái niệm vốn pháp định là gì? Đặc điểm, quy định và cách phân biệt với vốn điều lệ? Vậy thì đừng bỏ lỡ bất kỳ nội dung thông tin chi tiết nào trong bài viết dưới đây của AZLAW.

Cơ sở pháp lý

Luật doanh nghiệp 2020

Vốn pháp định là gì?

Theo Luật doanh nghiệp 2005, vốn pháp định (VPĐ) là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp. Thế kể từ Luật doanh nghiệp 2014, khái niệm VPĐ là gì đã không còn được cụ thể trong các văn bản luật. Hiểu một cách đơn giản nhất, VPĐ là số vốn tối thiểu theo yêu cầu của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tùy thuộc vào từng lĩnh vực, ngành nghề mà có mức VPĐ khác nhau.

VPĐ do cơ quan có thẩm quyền ấn định, được coi là căn cứ để thực hiện các dự án khi thành lập doanh nghiệp. Chính phủ quy định mức vốn cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp hoạt động trong từng ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Việc quy định mức VPĐ sẽ là căn cứ đảm bảo tối thiểu về tài sản của doanh nghiệp với đối tác; nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có tính rủi ro cao. Đây cũng là cách giúp bạn chế tối đa tình trạng thành lập doanh không có vốn hoạt động tràn lan.

=> Vốn pháp định là số vốn mà doanh nghiệp ít nhất phải có khi tham gia vào hoạt động kinh doanh trong một ngành nghề kinh doanh nhất định theo quy định của pháp luật.

Đặc điểm chính của vốn pháp định

VPĐ có các đặc điểm sau:

  • Không áp dụng cho từng loại hình doanh nghiệp mà được xác định dựa trên từng ngành, nghề kinh doanh cụ thể. Chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh những ngành, nghề đó thì mới cần phải đăng ký đủ số vốn theo quy định.
  • VPĐ được cấp cho các chủ thể kinh doanh bao gồm là các cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, tổ chức hay hộ kinh doanh cá thể,….
  • Chỉ quy định đối với một số ngành nghề nhất định. VPĐ dựa vào ngành nghề kinh doanh hay nói cách khác thì nó phụ thuộc vào nghề, ngành tương ứng với nó là mức vốn pháp định khác nhau.
  • Việc quy định về VPĐ sẽ giúp doanh nghiệp có các giải pháp thực hiện tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sau khi được thành lập; đồng thời hạn chế và phòng trừ được các rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
  • Giấy xác nhận VPĐ sẽ được cấp trước khi doanh nghiệp cấp giấy phép thành lập và hoạt động
  • VPĐ không phải là vốn góp của các chủ sở hữu kinh doanh hay vốn kinh doanh. Vốn góp, vốn kinh doanh sẽ phải lớn hơn hoặc bằng với vốn pháp định.
  • VPĐ được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành hoặc văn bản dưới luật như các thông tư, nghị định,…
  • Trong thời gian hoạt động của doanh nghiệp, số vốn sở hữu cần phải phù hợp với VPĐ và không được thấp hơn VPĐ

Để đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiến pháp 2013, với mục đích thực hiện hóa việc tự do trong hoạt động kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm nên VPĐ sẽ không còn là một trong những điều khoản được quy định trong các doanh nghiệp mà chỉ được áp dụng trong một số ngành, nghề cụ thể.

Ý nghĩa của vốn pháp định

VPĐ được quy định với một số ngành nghề, lĩnh vực không phải là quy định quyền tự do kinh doanh đối với doanh nghiệp mà mục đích chính của nó đó là bảo vệ quyền lợi, lợi ích của người tiêu dùng, khách hàng và các đối tác trong lĩnh vực. Có thể nói những ngành nghề được quy định mức vốn pháp định thường là những ngành “nhạy cảm” ảnh hưởng trực tiếp đối với sự phát triển chung của nền kinh tế và đời sống hàng ngày của người dân như kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng hay bất động sản.

Việc quy định mức VPĐ cũng là biện pháp để các doanh nghiệp chứng minh cho cơ quan nhà nước rằng doanh nghiệp đó đủ điều kiện, năng lực trong lĩnh vực đăng ký vốn pháp định. Các cơ quan nhà nước xác nhận mức vốn pháp định cần phải giám sát số vốn sở hữu của doanh nghiệp để cảnh bảo người tiêu dùng khi có nguy cơ giảm sút mức vốn pháp định. Đồng thời, sẽ có các biện pháp quản lý cần thiết khi số vốn của doanh nghiệp giảm dưới mức vốn pháp định. Vậy nên các doanh nghiệp cần phải đảm bảo an toàn nguồn vốn của mình.

VPĐ sẽ không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà được xác định dựa theo số ngành nghề cụ thể. Các công ty, doanh nghiệp có ý định thành lập ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì vốn góp phải tối thiểu bằng vốn pháp định.

Quy định về vốn pháp định

Tùy thuộc vào từng ngành, nghề kinh doanh sẽ có các quy định về VPĐ khác nhau, cụ thể:

  • Kinh doanh bất động sản: 20 tỷ đồng ( theo Khoản 1 điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP).
  • Kinh doanh cảng hàng không, sân bay: Từ 100 – 300 tỷ đồng (Điều 8 Nghị định 92/2016/NĐ – CP).
  • Kinh doanh dịch vụ hàng không: 30 tỷ đồng ( Điều 17 Nghị định 92/2016/NĐ – CP)
  • Kinh doanh hoạt động mua bán nợ: 100 tỷ đồng ( Điều 7 Nghị định 69/2016/NĐ-CP);
  • Kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ: 500 tỷ đồng (Điều 8 Nghị định 69/2016/NĐ-CP);
  • Kinh doanh chứng khoán: 10 đến 165 tỷ đồng (Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 86/2016/NĐ-CP);
  • Kinh doanh bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng (Nghị định 73/2016/NĐ-CP);
  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Điều kiện về VPĐ để thực hiện kinh doanh ngành, nghề dịch vụ đòi nợ là hai tỷ đồng và trong quá trình hoạt động phải không thấp hơn mức vốn pháp định tại điều 13 Nghị định 104/2007/NĐ-CP;
  • Kinh doanh bán lẻ theo phương thức đa cấp: Doanh nghiệp phải đáp ứng mức vốn từ 10 tỷ đồng trở lên được quy định điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP;
  • Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức: Được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 144/2018, Chủ thể hoạt động kinh doanh sau khi có Giấy phép kinh doanh thì phải đáp ứng có số tài sản tối thiểu là 80.000 SDR…..

Điểm giống và khác nhau của vốn pháp định với vốn điều lệ

Điểm giống nhau

  • Vốn điều lệ và vốn pháp định đều là tài sản của doanh nghiệp do thành viên và cổ đông của công ty đóng góp.
  • Dựa vào số vốn của doanh nghiệp giúp xác định mức thuế, trách nhiệm, tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp.

Điểm khác nhau

Vốn điều lệ Vốn pháp định
– Khi thành lập công ty, bắt buộc phải đăng ký vốn điều lệ.

– Không có các quy định cụ thể về số tối thiểu cũng như tối đa.

– Vốn điều lệ có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

– Góp vốn trong vòng 90 ngày tính từ ngày đăng ký.

– Các thành viên trong công ty sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với số vốn đóng góp hoặc cam kết tùy thuộc theo từng doanh nghiệp.

– Không được nhỏ hơn vốn pháp định với các ngành nghề có điều kiện tương ứng khác.

– Quy định tối thiểu đối với từng ngành nghề.

– Phải đáp ứng đủ khi hoạt động kinh doanh ngành, nghề có đủ điều kiện.

– Mức vốn pháp định sẽ là cố định đối với từng ngành, nghề kinh doanh

– Trong một số trường hợp sẽ phải ký quỹ theo quy định.

Một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định

  • Kinh doanh bất động sản: 20 tỷ đồng (Nghị định 76/2015/NĐ-CP);
  • Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 5 tỷ đồng (Nghị định 38/2020/NĐ-CP);
  • Cho thuê lại lao động: 2 tỷ đồng (Nghị định 29/2019/NĐ-CP);
  • Kinh doanh dịch vụ kiểm toán: 6 tỷ đồng (Nghị định 84/2016/NĐ-CP);
  • Kinh doanh dịch vụ môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng (Nghị định 155/2020/NĐ-CP);
  • Sản xuất phim: 200 triệu đồng (Nghị định 142/2018/NĐ-CP);
  • Dịch vụ bưu chính trong nước: 2 tỷ đồng (Nghị định 47/2011/NĐ-CP).

Với các nội dung đã được cung cấp trên đây, chúng tôi hy vọng sẽ giải đáp được cho bạn những thắc mắc về một số vấn đề liên quan đến VĐL và quy định pháp luật về vốn pháp định.

 

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Địa chỉ: K28 Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Mobile: 0987553289; 024.22151888 Email: luatsuphamoanh@gmail.com

Website: https://azlaw.com.vn

0987.748.111