Nhượng quyền thương hiệu là gì? Thủ tục nhượng quyền thương hiệu

Nhượng quyền thương hiệu là một chiến lược phát triển hỗn hợp bao gồm marketing, phân phối và kinh doanh. […]
admin2
15/09/2021

Nhượng quyền thương hiệu là một chiến lược phát triển hỗn hợp bao gồm marketing, phân phối và kinh doanh. Trong đó, tổ chức sở hữu thương hiệu (bên nhượng quyền) cấp phép cho cá nhân hoặc doanh nghiệp (bên nhận quyền) quyền kinh doanh, dựa trên tài sản trí tuệ. Mục tiêu nhượng quyền thương hiệu là giúp phát triển nhận diện thương hiệu và gia tăng về tài chính giữa hai bên. Trong bài viết này, AZLAW sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương hiệu và hợp đồng nhượng quyền thương hiệu.

Nhượng quyền thương hiệu là gì ?

Nhượng quyền thương hiệu/Nhương quyền thương mại (franchise) là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định.

Hợp đồng nhượng quyền thương hiệu là hợp đồng hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng một sản phẩm hoặc một quy trình hoạt động là một đối tượng sở hữu công nghiệp và đang được bảo hộ. Nhượng quyền thương mại liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu trí tuệ khác.

Phân loại nhượng quyền thương hiệu

Nhượng quyền thương hiệu là một mô hình tương đối linh hoạt, và bất kỳ loại hình kinh doanh nào cũng có thể được nhượng quyền. Có nhiều loại nhượng quyền, có thể được phân loại theo các yếu tố khác nhau, như mức đầu tư, chiến lược của bên nhượng quyền, hoạt động, mô hình tiếp thị và quan hệ, v.v … 

Dựa trên phạm vi nhượng quyền, có thể phân loại thành 4 loại hình nhượng quyền chính:

Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện (Full business format franchise)

Theo mô hình này, bên cạnh việc được sử dụng nhãn hiệu nhượng quyền thương hiệu, bên nhận có quyền sử hữu toàn bộ hệ thống để vận hành kinh doanh, bí quyết trong công nghệ sản xuất/kinh doanh và quyền quản lý sản phẩm/dịch vụ (sản xuất, tiếp thị,…). Bên nhượng quyền sẽ cung cấp một kế hoạch với đầy đủ thủ tục chi tiết về hầu hết mọi khía cạnh trong doanh nghiệp, cung cấp hệ thống đào tạo, hỗ trợ trong giai đoạn đầu cũng như về lâu dài sau này.

Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện (Non-business format franchise)

Với mô hình này, bên nhượng quyền sẽ chỉ chuyển nhượng một số yếu tố trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thường là cung cấp quyền sử dụng hình ảnh thương hiệu, hoặc có thể là chia sẻ công thức hay mô hình tiếp thị sản phẩm/dịch vụ.

Nhượng quyền có tham gia quản lý (Management franchise)

Mô hình nhượng quyền quản lý liên quan đến chất lượng và kinh nghiệm của các quản lý/ lãnh đạo hơn là kinh nghiệm trong ngành. Về cơ bản, nhượng quyền quản lý xảy ra khi bên nhượng quyền cung cấp người quản lý và điều hành doanh nghiệp cho bên nhận quyền, bên cạnh việc chuyển nhượng thương hiệu và mô hình/ công thức kinh doanh. Hình thức này đặc biệt phù hợp với các thương hiệu dịch vụ, yêu cầu cao về chất lượng liên quan đến nguồn nhân lực, cụ thể là ngành nhà hàng khách sạn. 

Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (Equity franchise)

Equity Franchise có nghĩa là bên nhượng quyền tham gia vốn đầu tư với tỉ lệ nhỏ dưới dạng liên doanh để trực tiếp tham gia kiểm soát hệ thống. Bên nhượng quyền có thể tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty mặc dù số vốn tham gia đóng góp chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ

Hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng nhượng quyền thương mại là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên khi tiến hành tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại. 

Hình thức hợp đồng

Điều 285 Luật Thương mại quy định: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

Theo đó hình thức bắt buộc của hợp đồng nhương quyền thương mại là:

  • Hình thức văn bản;
  • Hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương: fax, email…

Lưu ý:

Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.

Nội dung cơ bản của hợp đồng

Một hợp đồng nhượng quyền thương mại thường bao gồm các nội dung cơ bản sau:

  1. Nội dung của quyền thương mại.
  2. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
  3. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
  4. Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
  5. Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại.
  6. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
  7. Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

AZLAW lưu ý quý khách hàng một số vấn đề hợp đồng nhượng quyền thương mại sau đây:

  • Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền.
  • Trước khi nhượng quyền thương mại, bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Thương mại.

Các công ty nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam

Hình thức kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng chỉ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Hàng loạt các công ty nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam đã mọc lên như nấm. Và khởi đầu cho xu hướng đó là sự gia nhập của những thương hiệu lớn trên thế giới du nhập vào thị trường Việt Nam. Cùng với đó, nhiều thương hiệu Việt cũng mở rộng thị trường kinh doanh nhượng quyền thương hiệu không những ở trong nước mà còn ra nhiều nước trên thế giới.

Một số công ty nhượng quyền ở Việt Nam trong các lĩnh vực:

  • LOTTERIA – Lĩnh vực thức ăn nhanh và nhà hàng
  • HIGHLAND COFFEE – Lĩnh vực cà phê
  • PHỞ 24 – Lĩnh vực ẩm thực
  • PIZZA HUT – Lĩnh vực thức ăn nhanh và nhà hàng
  • Blue Exchange – Lĩnh vực thời trang
  • Cà phê Trung Nguyên – Lĩnh vực cà phê
  • Tocotoco – Lĩnh vực kinh doanh trà sữa
  • Circle K – Lĩnh vực siêu thị

Thủ tục nhượng quyền thương mại

Điều kiện thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại

Hoạt động nhượng quyền thương mại được thực hiện theo các điều kiện sau:

  • Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm
  • Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  • Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Lưu ý:

Theo quy định của Nghị định 08/2018/NĐ-CP mới nhất đã bãi bỏ quy định về điều kiện đối với Bên nhận quyền và quy định về hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại.

Hồ sơ đăng ký

  • Đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu do Bộ Thương mại hướng dẫn.
  • Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu quy định.
  • Các văn bản xác nhận về:
  • Tư cách pháp lý của bên dự kiến nhượng quyền thương mại;
  • Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Nếu các giấy tờ trên được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan công chứng ở trong nước hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thủ tục đăng ký

  • Gửi hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và thông báo bằng văn bản cho thương nhân về việc đăng ký đó.
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản thông báo để Bên dự kiến nhượng quyền bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
  • Các thời hạn nêu tại khoản này không kể thời gian Bên dự kiến nhượng quyền sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
  • Sau khi hết thời hạn quy định tại khoản này mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối việc đăng ký thì phải thông báo bằng văn bản cho Bên dự kiến nhượng quyền và nêu rõ lý do.

Trên đây là tư vấn của AZLAW về nhượng quyền thương mại. Qúy khách hàng có thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến Công ty để được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Địa chỉ: K28 Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Mobile: 0987553289; 024.22151888

Email: info@azlaw.com.vn

0987.748.111