HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG LÀ GÌ? ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Hoàn thuế giá trị gia tăng không chỉ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp mà còn rất […]
admin2
07/07/2021

Hoàn thuế giá trị gia tăng không chỉ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp mà còn rất quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên không phải cá nhân, tổ chức hoặc danh nghiệp nào cũng nắm rõ được khái niệm hoàn thuế là gì? Vậy hoàn thuế GTGT là gì? Những đối tượng nào được hoàn thuế GTGT? Hồ sơ, thủ tục hoàn thuế như thế nào? Bài viết dưới đây của AZLAW gửi đến bạn đọc những thông tin cụ thể về việc hoàn thuế GTGT.

Hoàn thuế GTGT là gì?

Thuế giá trị gia tăng (hay gọi là thuế VAT) là loại thuế gián thu được nhà nước đánh vào người tiêu dùng, được tính vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tay người tiêu dùng.

Hoàn thuế giá trị gia tăng là việc nhà nước hoàn trả lại số thuế giá trị gia tăng mà đối tượng nộp thuế đã nộp cho ngân sách nhà nước trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp, công ty, cơ sở kinh doanh là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng nhưng người chịu thuế giá trị gia tăng lại là người tiêu dùng cuối cùng.

Điều kiện hoàn thuế GTGT

Căn cứ theo quy định đã được ban hành tại Điều 19 Thông tư 219/2013/TT-BTC, tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải có điều kiện để được hoàn thuế GTGT sau đây:

– Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ,

– Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền,

– Có con dấu theo đúng quy định của pháp luật,

– Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;

– Có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.

Đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT

Căn cứ Điều 13 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (một số khoản được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013) được hướng dẫn chi tiết bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC, đối tượng và các trường hợp được hoàn thuế GTGT gồm:

  • Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
  • Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm, trừ trường hợp cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo.
  • Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư mới
  • Trường hợp cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư cùng tỉnh, thành phố, đang trong giai đoạn đầu tư thì cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai riêng đối với dự án đầu tư và phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện. Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa bằng số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh. Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư; nhỏ hơn 300 triệu đồng thì kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tiếp theo.
  • Trường hợp cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính, đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế thì cơ sở kinh doanh lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư đồng thời phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện. Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa bằng số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh. Sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư; nhỏ hơn 300 triệu đồng thì kết chuyển vào số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư của kỳ kê khai tiếp theo.
  • Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

>>> Xem thêm: Điều kiện hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu

Cơ sở kinh doanh có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu đang trong kỳ hạn, nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ 300 triệu đồng trở lên thì sẽ được hoàn thuế GTGT ngay trong tháng hoặc quý đó. Còn trường hợp, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ trong kỳ hạn không đạt được mức trên 300 triệu đồng thì sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

  • Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.
  • Hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.

Hồ sơ hoàn thuế GTGT

  • Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN mẫu 01/ĐNHT (ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC)
  • Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế: Bộ tờ khai thuế GTGT hàng tháng bản photo và Bảng kê khai tất cả các hóa đơn có giá trị trên 20 triệu giao dịch thanh toán qua ngân hàng.

Đối với việc hoàn thuế cho dự án đầu tư, hồ sơ cần thêm:

  • Tờ khai thuế GTGT dành riêng cho dự án theo Mẫu 02/GTGT;
  • Bảng kê khái hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa dịch vụ mua vào theo Mẫu 01-2/GTGT.

Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế GTGT
  • Bước 2: Nộp hồ sơ theo 3 hình thức: nộp hồ sơ hoàn thuế điện tử, nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu chính.
  • Bước 3: Xử lý hồ sơ và chờ kết quả.

Thời gian hoàn thuế GTGT

  • Đối với hồ sơ hoàn thuế trước – kiểm tra sau: chậm nhất là 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc thông báo chuyển hồ sơ của người nộp thuế sang kiểm tra trước hoàn thuế nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật quản lý thuế 2019 hoặc thông báo không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.
  • Đối với hồ sơ kiểm tra trước – hoàn thuế sau: chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.

Như vậy, AZLAW đã giới thiệu tất cả các thông tin về việc hoàn thuế GTGT, bao gồm cả thông tin về hồ sơ, thủ tục, thời gian. Nếu quý khách muốn được tư vấn hoàn thuế GTGT hoặc sử dụng dịch vụ kế toán thuế tại AZLAW, hoặc có bất kỳ đóng góp hay thắc mắc nào cần được giải đáp, quý khách vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Số nhà K28 ngõ 68 Trung Kính, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline: 024.22.151.888 – 0987.748.111

Email: info@azlaw.com.vn

0987.748.111