Những vấn đề pháp lý khi chuyển vốn đầu tư dự án tại Việt Nam

Sau khi doanh nghiệp FDI được thành lập, nhà đầu tư (NĐT) cần thực hiện việc chuyển vốn đầu tư […]
admin2
25/10/2021

Sau khi doanh nghiệp FDI được thành lập, nhà đầu tư (NĐT) cần thực hiện việc chuyển vốn đầu tư dự án đã đăng ký để triển khai hoạt động. Trong quá trình tư vấn, các nhà đầu tư thường đặt các câu hỏi như: Khi nào NĐT phải thực hiện chuyển vốn đầu tư dự án vào Việt Nam? Việc chuyển vốn cần thực hiện như thế nào? Việc chuyển vốn cần thực hiện trong một lần hay có thể chuyển thành nhiều lần? Nếu không chuyển đủ vốn trong thời hạn quy định thì phải xử lý ra sao? Trong bài viết dưới đây, AZLAW sẽ giải đáp cho các nhà đầu tư những vướng mắc đó.

Theo quy định tại Thông tư 06/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 26 tháng 06 năm 2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam thì sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện góp vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài.

 “Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp” theo quy định này là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Vậy việc mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp được thực hiện như thế nào?

Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ mở tài khoản ngân hàng cho tổ chức sẽ do các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định và hướng dẫn khách hàng. Tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng sẽ có những đầu mục hồ sơ cần chuẩn bị riêng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ các nhà đầu tư, chúng tôi điểm ra một số đầu mục hồ sơ mà nhà đầu tư chắc chắn cần phải có khi đi mở tài khoản ngân hàng như sau:

  1. Giấy đề nghị mở tài khoản lập theo mẫu của ngân hàng
  2. Hộ chiếu của người đại diện pháp luật của công ty
  3. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  4. Điều lệ Công ty
  5. Quyết định bổ nhiệm Giám đốc, Kế toán trưởng

Việc thực hiện các thủ tục để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại ngân hàng sẽ được các nhân viên giao dịch của ngân hàng hướng dẫn một cách chi tiết và cụ thể theo quy định của từng ngân hàng.

Sau khi hoàn thành việc mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư cần thực hiện việc góp vốn đầu tư mà mình đã đăng ký được ghi nhận trên GCN đăng ký đầu tư và GCN đăng ký doanh nghiệp. Việc góp vốn của các nhà đầu tư sẽ được thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản vốn đầu tư này.

Về thời hạn thực hiện việc góp vốn

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thực hiện việc chuyển tiền vốn đầu tư trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, các nhà cần lưu ý đến thời hạn này để thực hiện việc chuyển tiền góp vốn đúng quy định.

Trao đổi về vấn đề này, chúng tôi cũng xin nêu một số điểm mà các nhà đầu tư cần lưu ý như sau:

Người đại diện pháp luật của Công ty FDI là người trực tiếp đi đăng ký mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Trường hợp ủy quyền cho người khác thì phải có văn bản ủy quyền có công chứng và được ngân hàng nơi đăng ký mở tài khoản chấp thuận.

  1. Công ty FDI phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và tương ứng với loại ngoại tệ thực hiện góp vốn đầu tư, chỉ được phép mở 01 tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ đó tại ngân hàng được phép.
  2. Trường hợp thực hiện đầu tư bằng đồng Việt Nam thì được mở thêm 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam tại chính ngân hàng nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ.
  3. Việc chuyển tiền góp vốn vào tài khoản đầu tư trực tiếp bắt buộc phải thông qua hình thức chuyển khoản từ chính tài khoản của các nhà đầu tư. Việc nhờ người khác hoặc tổ chức khác chuyển tiền vào tài khoản này sẽ không được ghi nhận là việc góp vốn của nhà đầu tư.
  4. Các nhà đầu tư có thể chuyển đủ tiền vốn đầu tư đã đăng ký trong 01 lần hoặc chia thành nhiều lần chuyển nhưng phải đảm bảo chuyển đủ số tiền và trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập doanh nghiệp theo quy định.
  5. Trường hợp các nhà đầu tư không đảm bảo được việc nộp đủ số tiền vốn đầu tư trong thời hạn quy định thì trước ngày hết hạn cần thực hiện thủ tục điều chỉnh giãn tiến độ góp vốn tại cơ quan đăng ký đầu tư. Nếu không thực hiện thủ tục này hoặc để quá hạn mới thực hiện thủ tục này, Công ty sẽ bị thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là một số nội dung tư vấn mà chúng tôi muốn chia sẻ đến các nhà đầu tư liên quan đến việc mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và thực hiện việc chuyển vốn đầu tư dự án. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong video này sẽ giúp cho các nhà đầu tư có được những thông tin hữu ích khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển tiền vốn đầu tư sau khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Địa chỉ văn phòng: K28 – Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: info@azlaw.com.vn

Hotline: 0987748111

0987.748.111