HỒ SƠ THÀNH LẬP CÔNG TY: 4 LOẠI HÌNH DOANHH NGHIỆP VỚI 4 MẪU CHI TIẾT

Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thành lập doanh nghiệp cần phải […]
ngocdiep
08/06/2022

Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thành lập doanh nghiệp cần phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ. Hơn nữa, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp được thành lập, mà số lượng giấy tờ được yêu cầu cũng khác khác nhau. Chính vì vậy, trong quá trình thành lập công ty/doanh nghiệp, rất nhiều nhà đầu tư gặp tình trạng bị trả hồ sơ do cung cấp không đầy đủ, hoặc khai thiếu, sai thông tin. Với mong muốn giúp đỡ bạn đọc giải đáp những vướng mắc về hồ sơ thành lập công ty, AZLAW xin cung cấp bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý

Luật doanh nghiệp 2020
Luật đầu tư 2020
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư
Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp
Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư

Hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên

Khái quát về công ty TNHH một thành viên

Công ty TNHH MTV và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Công ty TNHH MTV và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Theo quy định tại Điều 74, Luật doanh nghiệp 2020, công ty TNHH một thành viên có các đặc điểm sau:

  • Về thành viên công ty TNHH một thành viên: do một cá nhân hoặc tổ chức là chủ sở hữu công ty.
  • Về tư cách pháp lý: Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Về trách nhiệm tài sản: Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn điều lệ của công ty. Công ty TNHH một thành viên có sự tách bạch tài sản giữa tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản công ty
  • Về huy động vốn: Công ty không được pháp hành cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty sẽ được phát hành trái phiếu để huy động vốn khi đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, điều lệ công ty.
  • Về chuyển nhượng vốn: Chủ sở hữu công ty được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác. Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức, cá nhận khác có thể làm thay đổi mô hình công ty. Công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc CTCP và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên

  • Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH một thành viên (Phụ lục I-2 Thông tư 01/2021/ TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp);
  • Điều lệ công ty.
  • Bản sao các giấy tờ:
    – Giấy chứng thực cá nhân hợp pháp của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của công ty (Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/Hộ chiếu).
    – Trường hợp chủ sở hữu là tổ chức thì cần nộp kèm Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác và bản sao hợp lệ giấy chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp.
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
  • Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.

Hồ sơ thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên

Khái quát về công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo quy định tại Điều 46, Luật doanh nghiệp 2020, Công ty TNHH hai thành viên trở lên có các đặc điểm sau:

  • Về thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên: Thành viên có thể là cá nhân hay tổ chức, có số lượng tối thiểu 02 thành viên và tối đa là 50 thành viên.
  • Về trách nhiệm tài sản: Công ty chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ tài chính và các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty. Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
  • Về huy động vốn: Công ty TNHH không được phát hành cổ phần nhằm ngăn cản sự gia nhập của người ngoài vào công ty. Tuy nhiên, công ty TNHH có thể được phát hành trái phiếu để huy động vốn khi đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
  • Về chuyển nhượng vốn: Thành viên công ty được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác, tuy nhiên cần phải tuân thủ theo các điều kiện nhất định. So với CTCP thì việc chuyển nhượng vốn ở công ty TNHH hai thành viên trở lên bị hơn chế hơn
  • Về tư cách pháp lý: Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tài sản của công ty được tách bạch với tài sản của các thành viên.

Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên

  • Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH hai thành viên trở lên (Phụ lục I-3 Thông tư 01/2021/ TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp);
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên (Phụ lục I-6 Thông tư 01/2021/ TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp);
  • Bản sao các giấy tờ:
    – Giấy chứng thực cá nhân của thành viên công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty (Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/Hộ chiếu);
    – Trường hợp chủ sở hữu là tổ chức thì cần nộp kèm Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác và bản sao hợp lệ giấy chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp; Văn bản ủy quyền của tổ chức cho cá nhân quản lý phần vốn góp;
    Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ trường hợp mà không phải người đại diện pháp luật công ty trực tiếp nộp.

Hồ sơ thành lập CTCP

 

Công ty Cổ phần

Công ty Cổ phần

Khái quát về công ty cổ phần

Theo quy định tại Điều 111, Luật doanh nghiệp 2020, CTCP gồm có những đặc điểm sau:

  • CTCP là công ty đối vốn nên khi thành lập công ty chỉ quan tâm đến vốn góp, còn việc ai là người góp vốn không quan trọng
  • Vốn điều lệ của CTCP được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Việc góp vốn vào công ty được thể hiện bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần.
  • Về thành viên công ty: Pháp luật chỉ quy định về số thành viên tối thiểu mà không giới hạn số thành viên tối đa. Cụ thể, luật doanh nghiệp 2020 quy định số thành viên tối thiểu trong CTCP là 03 thành viên, cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân
  • Cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (do bản chất đối vốn) – là đặc điểm chỉ có ở CTCP
  • Về tính chịu trách nhiệm trong kinh doanh. CTCP chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp. Các cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  • Về huy động vốn, trong quá trình hoạt động, CTCP có quyền phát hành cổ phần các loại, có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
  • Về tư cách pháp lý: CTCP có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các cổ đông hay những người quản trị công ty đều không có tư cách thương nhân.

Hồ sơ thành lập CTCP

  • Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp CTCP (Phụ lục I-4, Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp)
  • Điều lệ công ty: ghi nhận các quy tắc quản lý, hoạt động của doanh nghiệp
  • Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài của CTCP (Phụ lục I-7 Thông tư 01/2021/ TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp)
  • Bản sao các giấy tờ:
    – Giấy chứng nhận cá nhân hợp pháp của người thành lập doanh nghiệp, của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài hay đại diện của họ (thẻ căn cước, giấy chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu…);
    – Giấy tờ chứng thực tổ chức hợp pháp đăng ký thành lập doanh nghiệp (quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Đối với nhà đầu tư nước ngoài, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cần có thêm giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2020.

Hồ sơ thành lập Công ty hợp danh

Công ty hợp danh

Công ty hợp danh

Khái quát về công ty hợp danh

Theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty hợp danh mang những đặc thù của Việt nam. Cụ thể, công ty hợp danh được định nghĩa như sau:

  • Về thành viên công ty hợp danh: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn
  • Về chế độ chịu trách nhiệm tài sản của công ty hợp danh: Thành viên hợp danh phải là cá nhân, cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân thì chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn đã góp vào công ty.
  • Về tư cách pháp lý của công ty hợp danh: Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Về huy động vốn của công ty hợp danh: Công ty không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để công khai huy động vốn trong công chung. Khi muốn tăng vốn điều lệ, công ty sẽ chỉ huy động vốn bằng phương pháp kết nạp thêm thành viên mới, hay tăng phần vốn góp của mỗi thành viên, hoặc ghi tăng giá trị tài sản của công ty.

Hồ sơ thành lập công ty hợp danh

  • Giấy đề nghị đăng ký công ty hợp danh (Phụ lục I-5 Thông tư 01/2021)
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên công ty hợp danh (Phụ lục I-9 Thông tư 01/2021 hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp);
  • Bản sao các giấy tờ:
    – Giấy chứng nhân của thành viên công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty (Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/Hộ chiếu);
    – Trường hợp chủ sở hữu là tổ chức thì cần nộp kèm giấy chứng thực tổ chức hợp pháp đăng ký kinh doanh như Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết liên quan đến hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. AZLAW mong rằng những thông tin hữu ích của bài viết sẽ hỗ trợ khách hàng tháo gỡ được những vướng mắc về quy định pháp luật trong vấn đề này. Trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ có nhiều vấn đề pháp lý liên quan như về ngành nghề đầu kinh doanh có điều kiện, vốn đầu tư cần có… Tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư và pháp chế doanh nghiệp, AZLAW rất hân hạnh được đồng hành cùng Quý khách hàng trong mọi vấn đề pháp lý.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW
Địa chỉ: K28 Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Mobile: 0987553289; 024.22151888
Email: luatsuphamoanh@gmail.com Website: https://azlaw.com.vn

0987.748.111