Quy định nộp thuế của hộ kinh doanh cá thể

Hộ kinh doanh cá thể là hình thức kinh doanh phổ biến tại Việt Nam bởi tính đơn giản phù […]
admin2
09/08/2021

Hộ kinh doanh cá thể là hình thức kinh doanh phổ biến tại Việt Nam bởi tính đơn giản phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Vậy hình thức kinh doanh này được pháp luật quy định như thế nào và một số vấn đề pháp lý liên quan khác sẽ được AZLAW tư vấn ở bài viết dưới đây.

Hộ kinh doanh cá thể

Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

Từ quy định trên, có thể thấy hộ kinh doanh có những đặc điểm sau:

– Đối tượng thành lập hộ kinh doanh

  • Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh.
  • Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, cá nhân đó có toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của hộ. Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, mọi hoạt động kinh doanh của hộ do các thành viên trong nhóm hoặc trong hộ quyết định.

– Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân

Theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện:

  • Được thành lập hợp pháp;
  • Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
  • Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
  • Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Trên cơ sở này có thể thấy, hộ kinh doanh không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Do vậy, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện và không được thực hiện các quyền mà các doanh nghiệp đang thực hiện. Đồng thời, các cá nhân, nhóm người, hộ gia đình nhân danh chính mình mà không nhân danh hộ kinh doanh để tham gia vào hoạt động kinh doanh.

– Cá nhân, nhóm người hoặc các thành viên trong hộ chịu trách nhiệm vô hạn

Khi phát sinh khoản nợ hay nghĩa vụ tài chính, cá nhân hoặc các thành viên phải chịu trách nhiệm vô hạn, không phụ thuộc vào số tài sản mà họ đang có; không phụ thuộc vào việc họ đang thực hiện hay đã chấm dứt thực hiện hoạt động kinh doanh.

Mẫu dấu của hộ kinh doanh

Như đã đề cập bên trên, hộ kinh doanh không có dấu pháp nhân (loại con dấu tròn) như các hình thức doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh có thể sử dụng con dấu vuông, dấu chữ ký và chức danh hay con dấu logo của mình để cung cấp thông tin cho khách hàng. Con dấu hộ kinh doanh có 3 thông tin cơ bản bao gồm:

– Tên hộ đăng ký kinh doanh.

– Mã số thuế của hộ kinh doanh được cấp.

– Địa chỉ của hộ kinh doanh.

Quy định nộp thuế của hộ kinh doanh cá thể

Theo quy định về quản lý thuế, có 3 loại thuế chính mà hộ kinh doanh gia đình, hay còn gọi hộ kinh doanh cá thể phải nộp gồm:

  • Lệ phí (thuế) môn bài;
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT);
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Ngoài các loại thuế nêu trên, hộ kinh doanh cá thể còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên… nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này.

Thuế môn bài hộ kinh doanh cá thể

Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP thì mức thu lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể được tính dựa theo doanh thu bình quân hàng năm. Cụ thể như sau:

Trường hợp

Lệ phí môn bài

Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm 1.000.000 đồng/năm
Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm 500.000 đồng/năm
Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm 300.000 đồng/năm
Hộ kinh doanh thành lập sau ngày 25/02/2020 Miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên

Thời điểm xác định doanh thu tính thuế môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể: Hiện nay các hộ kinh doanh thành lập sẽ được miễn thuế môn bài năm đầu tiên nên thời điểm bắt đầu tính doanh thu là từ tháng 1 năm tiếp theo sau năm thành lập.

Đăng ký mã số thuế hộ kinh doanh cá thể

–  Mã số thuế 10 chữ số được sử dụng cho hộ kinh doanh

– Mã số thuế cấp cho hộ kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân người đại diện hộ kinh doanh

– Người nộp thuế là hộ kinh doanh đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì hồ sơ đăng ký thuế bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký thuế hoặc tờ khai thuế;
  • Bản sao giấy chứng minh nhân dân, bản sao thẻ căn cước công dân hoặc bản sao hộ chiếu;
  • Các giấy tờ khác có liên quan.

Hộ kinh doanh nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó có trụ sở. Thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của AZLAW về hộ kinh doanh cá thể. Nếu Quý độc giả vẫn còn thắc mắc liên quan đến hộ kinh doanh vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo thông tin sau để được để được giải đáp và hướng dẫn chi tiết từ luật sư, chuyên viên của chúng tôi.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Địa chỉ: K28, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Mobile: 0987.748.111 – 024.22151888

Email: info@azlaw.com.vn

Website: https://azlaw.com.vn

0987.748.111