Thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Nhằm phát triển kinh tế- xã hội đất nước, nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động […]
admin2
20/08/2021

Nhằm phát triển kinh tế- xã hội đất nước, nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Khi thực hiện đầu tư ở nước ngoài, nhà đầu tư ngoài việc tuân thủ pháp luật đầu tư của Việt Nam thì còn phải tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư. Bài viết dưới đây của AZLAW cung cấp những tư vấn pháp lý hữu ích nhất liên quan đến thủ tục đầu tư ra nước ngoài để Nhà đầu tư có một góc nhìn cụ thể về bức tranh hội nhập đầu tư.

Bài viết liên quan:

>> Dịch vụ thành lập văn phòng đại diện nước ngoài ở Việt Nam

>> Thủ tục đóng cửa văn phòng đại diện nước ngoài

HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định khái niệm đầu tư ra nước ngoài, cụ thể: Đây là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:

– Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

– Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;

– Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;

– Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;

– Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

Do việc đầu tư được triển khai tại nước tiếp nhận đầu tư nên các hoạt động tại Việt Nam chủ yếu liên quan đến các vấn đề về tài chính và ngoại hối. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn và huy động các nguồn vốn để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Việc vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển vốn đầu tư bằng ngoại tệ phải tuân thủ điều kiện và thủ tục theo quy định của pháp luật về ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quản lý ngoại hối.

THỦ TỤC ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

 Đối với các dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư

– Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
  • Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định

– Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội

  • Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.
  • Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Chính phủ
  • Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.
  • Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

Đối với các dự án do Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư

– Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án sau:

  • Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
  • Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.

– Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ

  • Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định bằng văn bản về những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý.
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 57 của Luật này.
  • Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài theo nội dung quy định tại khoản 8 Điều 57 của Luật Đầu tư 2020.

Đối với các dự án không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài

– Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

  • Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 của Luật Đầu tư 2020.
  • Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài quy định tại Điều 53 của Luật Đầu tư 2020 và đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật Đầu tư 2020.
  • Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép
  • Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư 2020.
  • Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư

– Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

  • Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ bao gồm:
    • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
    • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư
    • Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật này;
    • Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật Đầu tư 2020;
    • Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong các ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).
  • Trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là những quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu kĩ pháp luật của nước tiếp nhận hồ sơ để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài được nhanh chóng và thuận lợi. Mọi thông tin chi tiết Quý khách hàng xin liên hệ AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết!

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Địa chỉ: K28, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội

Mobile: 0987.748.111 – 024.22151888

Email: info@azlaw.com.vn

Website: https://azlaw.com.vn

0987.748.111