Giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ

So với đất đai có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ) thì nhiều trường hợp tranh chấp đất đai không có […]
admin2
04/11/2021

So với đất đai có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ) thì nhiều trường hợp tranh chấp đất đai không có Sổ đỏ sẽ phức tạp hơn vì các bên tranh chấp có thể không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của mình. Bài viết dưới đây của AZLAW sẽ đề cập đến một vài phương thức giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ.

Phải hòa giải tại UBND cấp xã

Khi xảy ra tranh chấp đất đai thì Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở (theo khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013).

Căn cứ khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải (gọi chung là cấp xã).

Lưu ý: Chỉ những tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất mới bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã. Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã.

Như vậy, dù tranh chấp đất đai có Giấy chứng nhận hoặc không có Giấy chứng nhận đều phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất.

Kết quả hòa giải tại UBND cấp xã sẽ xảy ra 02 trường hợp:

Trường hợp 1: Hòa giải thành

  • Các bên thống nhất được phương án giải quyết và được UBND xã ghi nhận trong Biên bản làm việc có xác nhận giữa các bên
  • Nếu có sự thay đổi về diện tích, người sử dụng đất thì UBND xã gửi công văn cho UBND cấp huyện để xem xét giải quyết

Trường hợp 2: Hòa giải không thành

  • UBND cấp xã sẽ ghi nhận nội dung hòa giải không thành giữa các bên và sẽ đề cập trong Biên bản hòa giải.

Khởi kiện hoặc yêu cầu UBND cấp huyện, tỉnh giải quyết

Căn cứ khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, nếu hòa giải tại UBND cấp xã không thành mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định sau:

Hình thức 1: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Hình thức 2: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền.

Nếu các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND thì thực hiện như sau:

– Tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

– Tranh chấp mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Trên đây là cách giải quyết khi xảy ra tranh chấp đất đai không có Sổ đỏ. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào hoặc cần hỗ trợ pháp lý, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.

Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN AZLAW

Địa chỉ văn phòng: K28 – Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: info@azlaw.com.vn

Hotline: 0987748111

0987.748.111